Làm quạt múa ở Chàng Sơn. Ảnh: Đỗ Chí
Chiếc quạt ở Chàng Sơn đã được gắn với rất nhiều huyền tích, trong đó nổi lên là câu chuyện ngày xưa có "hội đồng tiên quạt", vì lương duyên nên kết quạt để giải tâm phiền.
Người dân trong làng cũng truyền miệng câu thơ: "Tiên đồng hội quạt, hội đồng tiên/Lương duyên kết quạt, giải tâm phiền/ Phiền tâm quạt, tay đưa gió/Gió đưa tay quạt, hội đồng tiên".
Từ thế kỷ XIX, quạt Chàng Sơn đã nổi tiếng, từng được người Pháp đem sang Paris triển lãm. Người làm quạt giỏi được phong chức Bá Hộ, một phẩm hàm cấp cho hào lý hoặc người giàu có thời phong kiến. Để có được một chiếc quạt ưng ý, người nghệ nhân phải bỏ rất nhiều công sức chọn lựa từng ống tre làm nan quạt, từng sợi mây để làm viền và từng thếp giấy để làm cánh quạt.
Có nhiều loại quạt được người Chàng Sơn làm ra như quạt giấy, quạt ghép, quạt the, quạt thư pháp, quạt lụa... nhưng nổi tiếng nhất vẫn là quạt the. Cụ Nguyễn Văn Kiến (96 tuổi), ở thôn 4, xã Chàng Sơn đã chứng kiến nhiều thế hệ người làng Chàng làm quạt, chia sẻ: "Xưa, yếu tố đánh giá một chiếc quạt tốt dựa vào độ bền và tính thẩm mỹ.
Lúc đó chưa có keo như bây giờ, họ dùng quả cậy (quả hồng non) để dán giấy, vì chúng có độ bền cao.
Nan quạt tốt phụ thuộc vào nguyên liệu, đó là những gốc tre được ngâm hàng tháng dưới nước và đặc biệt cây tre không được gãy đầu; giấy phất quạt phải là giấy dó, chuẩn nhất vẫn là giấy dó làng Kẻ Bưởi". Gia đình cụ Kiến đã có truyền thống 6 đời gắn bó với nghề này.
Ở xứ Đoài, quạt Chàng Sơn vẫn được ưa dùng. Chiếc quạt nan tồn tại hàng trăm năm qua vẫn có mặt trong mỗi gia đình bên cạnh quạt máy và điều hòa nhiệt độ. Chị Nguyễn Thị Hà, nhà ở thị trấn Liên Quan, huyện Thạch Thất cho biết, chiếc quạt nan vẫn không thể thiếu cho dù đã sử dụng máy điều hòa nhiệt độ, quạt máy từ nhiều năm nay.
Đặc biệt, mỗi khi mất điện, chiếc quạt nan là phương tiện hữu ích duy nhất mang lại gió mát.
Mùa hè oi bức ở những làng quê xứ Đoài, hình ảnh những cụ già ngồi phe phẩy chiếc quạt giấy, quạt nan dưới bóng cây đa râm mát nơi sân đình, bên hiên nhà hay ở quán trà đầu làng… đã trở nên phổ biến và thân quen.
Chị Lê Thị Uyên, ở thôn 2, xã Chàng Sơn năm nay bước sang tuổi 48, đã gắn bó với nghề làm quạt từ nhỏ tâm sự:
Quạt giấy, quạt nan vẫn khá đắt hàng. Tại cơ sở làm quạt của chị luôn có 20 công nhân làm việc. Hè sang, trung bình mỗi tháng cơ sở của chị Uyên xuất đi các thị trường Hà Nội, Đà Nẵng, Nghệ An và nhiều tỉnh phía Nam khoảng 60-70 vạn chiếc quạt các loại, trong đó quạt nan, quạt giấy chiếm tỷ lệ khá lớn. Cùng là người thợ "trẻ tuổi đời, già tuổi nghề" như chị Uyên, anh Dương Văn Đoàn đã có thâm niên hơn 30 năm làm quạt.
Nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, anh Đoàn đã có vinh dự được làm 3.000 chiếc quạt để làm quà tặng cho du khách và 100 chiếc quạt nghệ thuật biểu diễn. Bố anh, ông Dương Văn Mơ, là một nghệ nhân làm quạt có tiếng ở làng Chàng, người đã lập kỷ lục guinness Việt Nam với chiếc quạt nghệ thuật lớn nhất, dài 9m, cao 4,5m.
Chiếc quạt kỷ lục vẽ tranh chợ quê Hà Nội theo mẫu tranh phố Hàng Trống trưng bày tại Lễ hội phố hoa Tết và Festival làng nghề truyền thống tổ chức tại Huế.
Ông Mơ cũng đã có công lớn trong việc đưa thương hiệu quạt Chàng Sơn ra thế giới, với những sản phẩm thể hiện được cái hồn dân tộc.
Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, quạt Chàng Sơn vẫn liên tục được xuất khẩu sang Pháp, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc... Thậm chí có những đoàn khách du lịch quốc tế tình cờ được tặng một chiếc quạt Chàng Sơn đã tìm cách đến tận làng nghề để đặt hàng.
Với những bước đi vững chắc và đã khẳng định được thương hiệu, bây giờ chẳng ai nói nghề làm quạt là nghề phụ nữa. Giờ đây, ở Chàng Sơn nhà nhà làm quạt, người người làm quạt.
Những chiếc quạt không đơn thuần để làm mát những ngày hè, mà còn là vật giải tỏa những ưu phiền, chứa đựng những thông điệp sâu lắng lòng người và góp phần quảng bá văn hóa Việt đến với bạn bè quốc tế.
Theo Hanoimoi
26 comments