“Thủ phạm” khiến sữa đặc bị nấm mốc
Sữa đặc có đường là sản phẩm sữa cô đặc được chế biến từ sữa tươi và đường kính hoặc từ sữa bột, chất béo sữa (kể cả dầu thực vật) và đường kính.
Thông thường, một sản phẩm sữa đặc có đường đạt chuẩn về chất lượng phải có những đặc điểm sau: sữa có màu sắc tự nhiên, từ gam vàng kem nhạt đến vàng kem đậm; ở trong trạng thái mịn màng, đồng nhất, không bị vón cục, lắng đường và có mùi vị thơm ngọt đặc trưng.
Các hãng sản xuất sữa đặc có đường trên thị trường hiện nay đa phần đều áp dụng quy trình công nghệ chặt chẽ, từ khâu lọc vô trùng, tiệt trùng, chiết sữa ra lon đến đóng thùng sản phẩm…
Thêm vào đó, vỏ lon để chứa sữa đặc thường là thép tráng kim loại được cấu thành từ 9 lớp, đảm bảo sự an toàn cho các thực phẩm trung tính và bảo quản được sữa trong 12 tháng kể từ ngày sản xuất.
Các hãng sản xuất sữa đặc có đường trên thị trường hiện nay đa phần đều áp dụng quy trình công nghệ chặt chẽ
Vậy nguyên nhân nào đã khiến cho sữa đặc bị nấm mốc? Một tác nhân gây nên hiện tượng nấm mốc ở sữa đặc là những sai sót trong quá trình vận chuyển sản phẩm của các nhà phân phối, cửa hàng và đại lý bán lẻ… Sự va đập mạnh trong khi bốc dỡ hàng hóa có thể khiến lon sữa bị nứt, thủng dẫn đến vi khuẩn có hại xâm nhập và làm sữa bị mốc.
|
Các chuyên gia trong ngành sữa cũng chỉ ra thêm một “thủ phạm” khác đứng đằng sau những lon sữa mốc này là việc sữa đặc không được bảo quản đúng cách.
Thông thường, sản phẩm sữa đặc phải được bảo quản ở nơi khô, sạch, thoáng mát, có mái che và tránh ánh nắng mặt trời.
Tuy nhiên, một số người tiêu dùng lại không biết rằng còn có một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến việc bảo quản sữa đặc như nhiệt độ phòng, ánh nắng, và đặc biệt là hiện tượng “nồm” thường xảy ra ở các tỉnh phía Bắc.
Hiện tượng này khiến cho không khí ngưng tụ và đọng sương trên các đồ vật, dẫn đến vỏ lon kim loại bị hoen rỉ và thực phẩm dễ bị nấm mốc tấn công.
Làm gì khi thấy sữa đặc bị nấm mốc?
Theo khuyến cáo của các nhà sản xuất, khi mở nắp hộp, sản phẩm được sử dụng trong vòng 4 ngày.
Lưu ý khi sử dụng, sản phẩm sữa đặc sẽ có những biến đổi như màu sắc, mùi vị và dưỡng chất nếu không được bảo quản đúng quy cách.
Khi phát hiện sản phẩm bị nấm mốc, người tiêu dùng cần nhanh chóng thực hiện những bước sau:
- Kiểm tra lại hạn sử dụng của sản phẩm.
- Xem xét lại phương pháp bảo quản sản phẩm, đặc biệt lưu ý đến các yếu tố như nhiệt độ, ánh sáng và môi trường bảo quản sản phẩm.
- Loại bỏ sản phẩm bị nấm mốc và không được sử dụng để đảm bảo an toàn sức khỏe.
- Liên hệ với nhà sản xuất trình bày về hiện tượng gặp phải để được giải quyết kịp thời.
26 comments