Ca mổ thay lại khớp gối cho bệnh nhân B.C - Ảnh: Lan Chi
Bệnh nhân B.C được thay khớp gối từ năm 2010. Sau khi thay, bà C. đi lại được một năm và bắt đầu thấy đau nhiều hơn. Vào giữa năm 2012, tình hình ngày càng trầm trọng nên bà C. đến khám và được bác sĩ cho chỉ định mổ thay lại khớp khác, vì hình ảnh trên phim X-quang cho thấy khớp nhân tạo đã bị lỏng và xương bị hủy.
Sau đó, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật nhưng kết quả soi tươi tại chỗ cho thấy có vi trùng nên phải dừng lại, cắt lọc, tháo dụng cụ (khớp nhân tạo cũ). Bệnh nhân bị nhiễm trùng tiềm ẩn, không phát hiện được khi xét nghiệm trước phẫu thuật mà phải mổ, lấy mẫu mô trong khớp gối để kiểm tra.
Tiếp đó, do bệnh nhân lại bị nhiễm trùng nên các bác sĩ phải thực hiện cắt lọc thêm 2 lần, đặt xi măng giữ trục khớp gối và giữ độ dài của chi. Tuy nhiên, bệnh nhân B.C bị mất rất nhiều xương do vi trùng phá hủy xương, dây chằng hai bên cũng bị tổn thương nặng khiến gối mất vững bên trong và bên ngoài.
Trường hợp này không thể dùng khớp nhân tạo thông thường nên trong lần đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương để chuyển giao kỹ thuật vào tháng 5.2013, bác sĩ Nirad dùng loại khớp có bản lề (giống bản lề cửa) để giữ khớp gối được vững.
Đây là lần đầu tiên loại dụng cụ này được dùng tại Việt Nam. Ca mổ kéo dài 4 giờ vì phải thực hiện nhiều thủ thuật khó như: bóc tách lớp xi măng cũ; xác định trục của gối; giải phóng khớp gối; khớp gối bị cứng tư thế duỗi nên phải cắt gân cơ tứ đầu đùi hình chữ V để sau này bệnh nhân cử động dễ dàng hơn.
Hiện tại, tình trạng của bệnh nhân B.C đã ổn định. Bà bắt đầu tập đi lại được với sự trợ giúp của nạng, gối bớt đau khi đi. Các bác sĩ vẫn còn tiếp tục theo dõi tình trạng diễn biến của vết thương mặt dù soi tươi nhuộm Gram ngay trong lúc mổ cho kết quả âm tính, tức không còn nhiễm trùng nữa.
Theo Thanh nien online
26 comments