Những bạn trẻ lần đầu vào vai công nhân quét rác đêm - Ảnh: N.Trường
Chuyên đề đầu tiên về nghề quét rác đã mang đến nhiều điều thú vị cho những người tham gia sân chơi mới này.
Nội dung trải nghiệm được giấu nhẹm đến phút cuối nên khi ban tổ chức “bật mí”, không ít bạn trẻ đã kêu trời.
Cao Thị Hồng Nhung lúc đầu nhất quyết không chịu mặc bộ đồ công nhân quét rác vì xấu hổ. Động viên mãi Nhung mới miễn cưỡng mặc mỗi chiếc áo.
Nhiều bạn khác cũng lưỡng lự hồi lâu mới khoác lên mình bộ đồng phục công nhân vệ sinh. Các bạn chia thành bốn nhóm được trang bị đầy đủ bao tay, khẩu trang, chổi, cào rác, hốt rác.
Cuộc chơi được diễn ra ngay tại chợ Phạm Thế Hiển (Q.8). Chợ cuối ngày đùn lên những đống rác lớn đã bốc mùi khó chịu.
Ban đầu các bạn còn ngại ngần, chưa mạnh dạn hốt rác, lúng túng đẩy xe rác đi trong khu chợ hẹp.
Sau khi được công nhân vệ sinh hướng dẫn, các nhóm nhiệt tình hẳn. Đỗ Nguyên, người to con nhất nhóm 1, gom từng sọt rác lớn rồi đổ vào xe rác. Các thành viên khác cùng đội Nguyên nhanh chóng làm sạch khu vực phân công.
Trong lồng chợ, Nguyễn Thị Thanh Quyên ở nhóm 2 cũng tích cực hốt rác vào xe đẩy đã ngập đầy rác. Các nhóm khác vào tận hàng rau gom rau vụn, bịch nilông...
Sau gần hai giờ làm việc, các con đường trong chợ đã sạch sẽ. Cả bốn nhóm tập trung đưa xe rác về khu tập kết, buổi vào vai công nhân vệ sinh khiến ai cũng mệt nhoài, mặt mày lấm lem, mồ hôi ướt áo. “Quét rác cực quá, vậy mà các cô chú ngày nào cũng làm được, thật đáng nể phục” - Hồng Nhung nói.
Nghề quét rác cực là cảm nhận chung của hầu hết thành viên tham gia buổi trải nghiệm. Nhưng đến khi cầm trên tay 100.000 đồng tiền công của buổi đi làm, nhiều bạn mới thật sự thấm thía giá trị của sức lao động.
“Chúng tôi thiết kế chương trình để các bạn vừa trải nghiệm vừa rút ra những bài học về giá trị cuộc sống.
Chính vì thế, trong đó cũng có phần trả tiền công lao động để các bạn hiểu giá trị sức lao động và biết cách sử dụng đồng tiền hợp lý” - chị Vũ Yến Oanh, phó bí thư Quận đoàn 8, cho biết.
“Mình hiểu kiếm được đồng tiền vất vả quá, mình sẽ dùng số tiền này để mời mẹ ăn tô hủ tiếu.
Trước giờ mình không biết mẹ đã kiếm tiền về lo cho gia đình cực khổ nhiều đến vậy” - Bùi Minh Hào xúc động.
Hào vừa nghỉ học lớp 10 mấy tháng nay. “Lúc nghỉ học cứ tưởng sẽ được tự do theo bạn bè đi chơi, nên nhất quyết không quay lại trường dù mẹ mình năn nỉ lắm.
Nhưng giờ mới biết ra đời không có nghề muốn xin việc cũng khó, đồng tiền thì kiếm không dễ” - Hào tâm sự.
Hào tính sẽ đi học lại, nếu vẫn không theo kịp chương trình thì sẽ đi học nghề để sau này đỡ đần cho mẹ.
Đỗ Nguyên thì bị đuổi học từ năm lớp 10. Sau khi nghỉ học, Nguyên hay tụ tập bạn bè gây sự, đánh lộn. “Lúc đó em đâu có hiểu cha mẹ kiếm tiền lo cho mình ăn học vất vả như thế nào.
Em không biết trân trọng” - Nguyên kể. Cầm 100.000 đồng tiền công trên tay, Nguyên cười vui: “Đồng tiền kiếm được không dễ, nhưng đổi bằng mồ hôi công sức của mình lại thấy vui và tự hào quá”.
Buổi trải nghiệm quét rác cũng mang đến cho nhiều thành viên một góc nhìn khác tích cực trong cuộc sống. “Trước giờ em chỉ đi học rồi về nhà, thỉnh thoảng ra tiệm Internet, ít bạn bè, cuộc sống cũng khép kín.
Lần này được làm việc cùng mọi người vui như vậy, mong được tham gia nhiều hơn những chương trình thế này” - Thanh Quyên bộc bạch.
Theo Tuoi tre online
26 comments